Môn Sử ngày càng “teo tóp”
Buổi thảo luận kéo dài từ sáng đến cả đầu giờ chiều vẫn chưa hết “nóng” khi hàng loạt đại biểu vẫn “xếp hàng” chờ được nêu ý kiến. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết. Bộ xác định môn Lịch sử có vai trò quan trọng tuy nhiên cần đổi mới cách dạy học, đổi mới chương trình, vì chương trình hiện hành tồn tại một số vấn đề như quá nhiều số liệu khô cứng.
Không đồng tình với cách đặt vấn đề đó, GS Phan Huy Lê khẳng định: Bộ GD&ĐT luôn nói, môn Lịch sử đóng vai trò quan trọng nhưng trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, đã coi nhẹ môn Lịch sử khi đặt môn này vào vị thế bị động khi cho học sinh tự chọn! “Với cách dạy học như hiện nay, kỳ thi THPT quốc gia là minh chứng rằng, chẳng mấy học sinh lựa chọn môn Sử”, ông Lê nói. Hơn nữa, khi thiết kế chương trình mới lại tích hợp tùy tiện môn Lịch sử với nhiều môn, không đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống. “Nếu thế hệ thanh niên lớn lên mà không biết lịch sử đất nước thì làm sao có thể viết tiếp lịch sử dân tộc?”, GS Lê đặt câu hỏi.
“Dù qua nhiều cuộc hội thảo, trao đổi ý kiến nhưng giữa Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và các nhà quản lý giáo dục dường như chưa tìm được tiếng nói chung. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn để bảo vệ môn Lịch sử như môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT”. GS Phan Huy Lê.
GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: “Không phải đến thời điểm này mà một vài thập kỷ qua, môn Sử đã bị đối xử thiếu công bằng”. Ban đầu, vì lý do giảm tải, môn Lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông. Sau đó, học sinh được phép lựa chọn thi ngoại ngữ hoặc môn Sử. Đa số học sinh ở thành phố lựa chọn ngoại ngữ, chỉ có học sinh địa phương học kém ngoại ngữ mới chọn Sử.GS.TS Trần Thị Vinh, Khoa Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, tích hợp kiến thức Lịch sử vào các môn học: Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội (cấp tiểu học); Khoa học xã hội (cấp THCS) và Công dân với Tổ quốc (cấp THPT) khiến môn Sử đứng trước nguy cơ bị xóa sổ với tư cách là môn học độc lập. Theo bà Vinh, đây là việc chưa từng có tiền lệ trong nền giáo dục Việt Nam. Bà Vinh cũng chỉ ra, nếu tích hợp kiến thức 3 môn Giáo dục quốc phòng- an ninh, Giáo dục đạo đức – công dân và Lịch sử vào một môn Công dân với Tổ quốc sẽ không khả thi cả việc dạy học lẫn viết SGK.
Bộ GD&ĐT đang bị “oan”?Ông Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), đặt câu hỏi: “Các nhà quản lý giáo dục nghĩ gì khi một dự thảo ra đời đã vấp phải phản ứng của nhiều giáo viên, nhà nghiên cứu?”. Ông Hiếu chia sẻ, suốt 3 tháng qua, kể từ ngày Bộ GD&ĐT công bố bản dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông và nhiều giáo viên dạy Sử mất ăn, mất ngủ. Học sinh lâu nay đã ít lựa chọn môn Sử để thi nay lại càng có cơ hội để ngó lơ nó.
Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng lưu ý, môn giáo dục quốc phòng- an ninh là môn học đặc thù cả về nội dung lẫn phương pháp. 80% các bài giảng mang tính trang bị kỹ năng để bảo vệ Tổ quốc, các bài thực hành phải có thao trường. Trong khi kiến thức Lịch sử lại hệ thống và đúc kết những điểm nổi bật về quân sự, truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông để từ đó hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
GS.TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng giáo dục Quốc gia nói: “Không nên đặt vấn đề tích hợp là xóa môn học mà chỉ là tạo ra giá trị mới cho môn học. Tôi không nghĩ, môn Sử cứng nhắc đến mức chỉ khi đứng độc lập thì mới giáo dục được”. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Có thể các ý kiến đóng góp chưa nghiên cứu kỹ tài liệu chương trình đổi mới nên Bộ GD&ĐT bị oan. Oan ở chỗ, các ý kiến cho rằng, chương trình đổi mới khai tử môn Lịch sử là không đúng. Với thiết kế chương trình mới, sẽ hình thành hai nhóm học sinh: nhóm chọn Khoa học xã hội sẽ học Lịch sử nhiều hơn và nhóm học Lịch sử ít hơn. Cách tích hợp kiến thức Lịch sử với các môn khác cũng có cơ sở chứ không phải gán ghép cơ học”.
Ông Hiển cũng cho rằng, nếu chờ đào tạo giáo viên bài bản, chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ thì 15 năm sau vẫn giậm chân tại chỗ bởi cơ chế hiện nay không cho phép đào tạo giáo viên ra ngồi chờ chương trình. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ sẽ bồi dưỡng đào tạo giáo viên dạy tích hợp để phục vụ chương trình đổi mới.