Người lặng thầm “ươm mầm xanh” tương lai ở Đắk R’măng
Lượt xem:
Cô giáo Dương Thị Hồng, hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc, ở xã Đắk R’măng (Đắk Glong) đã đến và gắn bó với vùng đất này từ năm 1987. Trong suốt 28 năm qua, với tấm lòng yêu trẻ, mến trò, cô giáo Hồng đã lặng thầm, nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thử thách để góp một phần sức mình vào sự nghiệp “ươm mầm xanh” cho tương lai.
Lặng thầm “gieo chữ” nơi vùng sâu
Theo người dân địa phương thì thời điểm 28 năm về trước, khu vực này chỉ có các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do địa bàn heo hút, rừng núi hiểm trở, đời sống của bà con nơi đây cũng thiếu thốn trăm bề, nhất là thiếu các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm…
Cũng vì lẽ đó mà việc đến trường học tập của những trẻ em nơi đây cũng khó khăn bội phần. Khi đó, mặc dù bản thân cô Hồng vào xã Đắk R’măng làm việc cho Công ty Lâm nghệp Đắk R’măng. Thế nhưng, khi thấy nhiều đứa trẻ ở đây chưa được đến trường, đến lớp cùng với việc chính quyền địa phương có chủ trương mở lớp xóa mù chữ thì cô đã không quản khó khăn đến từng nhà, gõ từng cửa để vận động trẻ em đến trường.
![]() |
Cô giáo Hồng hướng dẫn học sinh học bài |
Cô giáo Hồng tâm sự: “Hàng chục năm trôi qua, bản thân cô cũng không nhớ nổi mình đã đi bộ bao nhiêu cây số, vận động được bao nhiêu trẻ em đến trường. Nhiều lúc bước chân mỏi mệt, nhưng cô vẫn luôn tự động viên mình phải đi nhiều hơn nữa, vận động thật nhiều trẻ đến trường kiếm con chữ mà làm hành trang lập nghiệp sau này”.
Theo cô Hồng thì nhiều em khi đến trường còn chưa có giấy khai sinh thì cô còn thay cha mẹ trực tiếp đưa các em đi làm các thủ tục. Thậm chí, có nhiều gia đình ở tận trong rừng sâu, cô cũng không quản ngại mưa nắng, lặn lội cả ngày trời để đến giúp việc nhà, nương rẫy, rồi động viên cha mẹ cho trẻ đến trường. Niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cô là việc đã có nhiều đứa trẻ nhờ sự động viên của mình đã đến trường, đến lớp chăm chỉ học tập, hiện nay cũng đã trưởng thành, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Chính tấm lòng và sự nhiệt tình, lặng thầm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để “gieo chữ” cho trẻ em nơi đây của cô giáo Hồng đã được bà con ở vùng quê này ghi nhận, yêu mến và trân trọng.
Bà Nguyễn Thị Tiếng, một hộ dân ở thôn 3 xúc động nói: “Gia đình tôi từ miền Tây lên đây lập nghiệp, khi đó, do cuộc sống khó khăn, còn phải lo miếng cơm, manh áo nên gia đình còn chưa quan tâm nhiều đến chuyện học hành của bọn trẻ. Tuy nhiên, được cô giáo Hồng quan tâm, động viên nên gia đình đã cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu ăn học. Cũng nhờ có bước khởi đầu đó mà các con cái trong gia đình tôi giờ đã học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định”.
Mong được cống hiến nhiều hơn nữa
Trong nhiều năm qua, rất nhiều học sinh ở xã Đắk R’măng được cô giáo Hồng vận động đến trường ngày trước, giờ đã trở thành những cán bộ, công nhân, viên chức phục vụ cho xã hội.
Đơn cử như chị H’Bal, trước đây cũng được cô giáo Hồng tận tình giúp đỡ tới trường, giờ đây cũng đã trở thành đồng nghiệp của cô.
Chị H’Bal chia sẻ: “Hồi còn nhỏ, nếu không có cô Hồng đến vận động gia đình cho tôi đến trường đến lớp thì chắc chắn con đường học tập của tôi sẽ bị bỏ bê giữa chừng. Vì vậy, việc được làm một người giáo viên như ngày hôm nay có công lao đóng góp rất lớn của cô. Tôi rất cảm kích và biết ơn cô đã nâng đỡ, chắp cánh cho tôi được học tập đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định và góp ích cho đời”.
Theo lãnh đạo chính quyền địa phương cũng như rất nhiều người dân xã Đắk R’măng thì nhờ sự giúp đỡ của cô giáo Hồng mà nhiều thế hệ trẻ em của địa phương khôn lớn thành người để đóng góp những việc có ích cho xã hội, quê hương.
Với xã Đắk R’măng thì cô giáo Hồng được xem là một trong những người đặt những “viên gạch” đầu tiên cho giáo dục nơi đây. Cô là người đã làm thay đổi nếp nghĩ của người dân về vai trò quan trọng của giáo dục để rồi động viên con em của mình đến trường, đến lớp.
Ông Đoàn Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk R’măng cho biết: “Cô giáo Hồng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn luôn tích cực trong công việc. Với tấm lòng yêu trẻ, mến nghề của mình mà cô đã vận động được rất nhiều học sinh đến trường đến lớp để học hành đàng hoàng, tử tế. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất mà cô Hồng để lại chính là việc vừa qua xã Đắk R’măng đã đạt phổ cập cho trẻ em mầm non 5 tuổi, góp phần rất lớn vào sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. Sau nhiều năm cống hiến, hiện cô giáo Hồng đang giữ cương vị là Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc ở xã Đắk R’măng. Thế nhưng, sau gần 30 năm “gieo chữ” vùng sâu, hiện cô vẫn luôn mong muốn được gắn bó lâu dài hơn nữa với vùng quê này để được cống hiến, góp một phần công sức của mình nhiều hơn nữa để “ươm mầm ước mơ” cho những đứa trẻ nơi vùng sâu này”.
Bài, ảnh: Phan Tuấn